Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

Ngày cập nhật: 03/01/2017

Quy chế này quy định việc thực hiện phát huy quyền làm chủ của các thành viên trong Công ty cổ phần Môi trường Nam Định (gọi tắt là Công ty), bao gồm cả Xí nghiệp DVMT, Nhà máy XLRT, Đội cơ giới.

CÔNG TY CỔ PHẦN
MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH 

Số:92/QĐ – HĐQT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 

Nam Định, ngày  04 tháng 10 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH

Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị người lao động Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định ngày 03 tháng 10 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

    Điều 3. Các ông (bà) Trưởng các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc Công ty và tập thể người lao động Công ty chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

Nơi nhận:
–      HĐQT;
–      BCH công đoàn;
–      Như điều 3;
–      Lưu VP.
TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ     
CHỦ TỊCH         
Triệu Đức Kiểm

CÔNG TY CỔ PHẦN
MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 

Nam Định, ngày  04 tháng 10 năm 2016

QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NƠI LÀM VIỆC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 92/QĐ-CT ngày 04 tháng 10 năm 2016.

của Chủ tịch Công ty cổ phần Môi trường Nam Định)

Căn cứ Khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của CHính phủ quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Được sự nhất trí giữa BCH Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty, Công ty cổ phần Môi trường Nam Định xây dựng, ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở nơi làm việc với những nội dung như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc thực hiện phát huy quyền làm chủ của các thành viên trong Công ty cổ phần Môi trường Nam Định (gọi tắt là Công ty), bao gồm cả Xí nghiệp DVMT, Nhà máy XLRT, Đội cơ giới.

2. Đối tượng áp dụng của quy chế này là Ban Giám đốc hoặc người được ủy quyền hợp pháp tại các đơn vị trực thuộc của Công ty (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động); Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty; người lao động làm việc tại Công ty theo hợp đồng lao động.

Điều 2: Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

1. Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là những quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, Ban chấp hành Công đoàn với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát và các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

2. Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được thực hiện thông qua hình thức đối thoại tại nơi làm việc, Hội nghị người lao động và các hình thức được thực hiện dân chủ khác.

Điều 3: Nguyên tắc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động phải tôn trọng, đảm bảo các quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc; quyền dân chủ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật thông qua quy chế dân chủ của Công ty.

2. Công ty xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Thiết lập mối quan hệ hài hòa, ổn định, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh.

Điều 4: Những hành vi cấm khi thực hiện dân chủ tại nơi làm việc

1. Thực hiện trái những quy định của pháp luật.

2. Xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước.

3. Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động.

4. Trù dập, phân biệt đối xử với người tham gia đối thoại, người khiếu nại tố cáo.

CHƯƠNG II

NỘI DUNG QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

Điều 5: Những nội dung người sử dụng lao động phải công khai cho người lao động trong Công ty được biết.

1. Phương hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư từng năm của Công ty, của các đơn vị trực thuộc, những chủ trương lớn về thay đổi phương thức quản lý của đơn vị…, tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hoạt động tài chính, phân phối lợi nhuận, tiền lương, tiền thưởng của Công ty.

2. Nội quy, quy chế, quy định của Công ty, của đơn vị trực thuộc bao gồm nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, định mức lao động, thang, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

3. Tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tiền lương, tiền thưởng, khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động.

4. Thỏa ước lao động tập thể của Công ty.

5. Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp.

6. Trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

7. Công khai tài chính hàng năm của Công ty về các nội dung liên quan đến người lao động.

8. Điều lệ hoạt động của Công ty và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6: Những nội dung người lao động được tham gia ý kiến

1.  Việc xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy định phải công khai tại Công ty.

2.  Các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

3.  Xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể của Công ty.

4.  Nghị quyết hội nghị người lao động.

5.  Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

6.  Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Những nội dung người lao động quyết định

1. Giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung thương lượng thỏa ước lao động tập thể của Công ty.

3. Thông qua nghị quyết hội nghị người lao động.

4. Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức Công đoàn, tổ chức nghề nghiệp khác theo quy định pháp luật.

5. Tham gia hoặc không tham gia đình công.

6. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8: Những nội dung người lao động kiểm tra, giám sát

1. Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty và các đơn vị trực thuộc.

2. Thực hiện hợp đồng lao động và các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định pháp luật.

3. Thực hiện nội quy, quy chế, quy định phải công khai của Công ty.

4. Thực hiện thỏa ước lao động tập thể của Công ty; thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động, nghị quyết Đại hội Công đoàn cơ sở.

5. Trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

6. Tình hình thi đua, khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết luận của thanh tra, kiểm toán và thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.

7. Thực hiện điều lệ công ty và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện các nội dung của Quy chế dân chủ này.

CHƯƠNG III

HÌNH THỨC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI NƠI LÀM VIỆC

MỤC 1

ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC

Điều 9: Trách nhiệm tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do Ban Giám đốc chủ trì, phối hợp với BCH Công đoàn Công ty thực hiện 03 tháng một lần để trao đổi, thảo luận các nội dung quy định tại Điều 64 của Bộ luật Lao động.

2. Ban Giám đốc Công ty có trách nhiệm:

a. Ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của BCH Công đoàn Công ty và phổ biến công khai đến từng người lao động trong Công ty để thực hiện;

b. Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất khác đảm bảo cho đối thoại;

c. Cử thành viên đại diện Ban Giám đốc tham gia đối thoại;

d. Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

3. BCH Công đoàn Công ty có trách nhiệm:

a. Tham gia ý kiến vào quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo yêu cầu của Ban Giám đốc Công ty;

b. Tổ chức bầu các thành viên đại diện cho người lao động tham gia đối thoại tại hội nghị người lao động;

c. Phối hợp với Ban Giám đốc Công ty tổ chức thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

MỤC 2

HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 10: Trách nhiệm tổ chức hội nghị người lao động

1. Ban Giám đốc có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức hội nghị người lao động, bố trí địa điểm, thời gian, các điều kiện vật chất cần thiết và tổ chức hội người lao động. Quy chế tổ chức hội nghị người lao động được ban hành sau khi tham khảo ý kiến của BCH Công đoàn và được phổ biến công khai đến người lao động trong Công ty.

2. BCH Công đoàn Công ty có trách nhiệm phối hợp với Ban Giám đốc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế tổ chức hội nghị người lao động.

Điều 11: Phổ biến, triển khai, giám sát thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động.

1. Ban Giám đốc Công ty có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với BCH Công đoàn phổ biến kết quả hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động và tổ chức triển khai nghị quyết hội nghị người lao động trong Công ty.

2. BCH Công đoàn Công ty có trách nhiệm phối hợp với Ban Giám đốc phổ biến kết quả hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động trong Công ty, tổ chức kiểm tra giám sát tình hình thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động trong đơn vị.

3. Đại biểu tham dự hội nghị người lao động có trách nhiệm phổ biến kết quả và nghị quyết hội nghị người lao động đến những người không tham dự hội nghị người lao động ở các phòng, ban, tổ, đội sản xuất nơi bầu mình làm đại diện tham dự hội nghị đại biểu.

MỤC 3

CÁC HÌNH THỨC THỰC HIỆN DÂN CHỦ KHÁC

Điều 12: Các hình thức thực hiện dân chủ khác

1. Cung cấp và trao đổi thông tin tại các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt hoặc tại các cuộc họp từ tổ, đội đến toàn đơn vị hoặc tại các cuộc họp chuyên môn của các phòng, ban, bộ phận, tổ, đội sản xuất kinh doanh.

2. Niêm yết công khai ở những địa điểm thuận lợi tại đơn vị.

3. Cung cấp thông tin qua hệ thống thông tin nội bộ, mạng internet hoặc bằng văn bản, các ấn phẩm sách, báo gửi đến từng người lao động, phòng, ban, bộ phận, tổ, đội sản xuất kinh doanh.

4. Hộp thư góp ý kiến.

5. Tổ chức lấy ý kiến trực tiếp người lao động, do người sử dụng lao động, cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên trong Công ty thực hiện.

6. Tự quyết định bằng văn bản.

7. Biểu quyết tại các cuộc họp, hội nghị trong công ty.

8. Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13: Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty tổ chức thực hiện tốt quy chế này.

Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng dân chủ gây mất đoàn kết làm ảnh hưởng tới công tác sản xuất kinh doanh, vi phạm những quy định của quy chế này sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Điều 14: Các ông (bà) Ban Giám đốc, BCH Công đoàn Công ty, Giám đốc trực thuộc, các đơn vị thuộc Công ty và tập thể người lao động trong Công ty chịu trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện quy chế này.

TM.HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

CHỦ TỊCH

Triệu Đức Kiểm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 02283.3848.141
Chat Facebook
Gọi điện ngay