Ngày cập nhật: 03/01/2017
Nội quy lao động là những quy định của Công ty với người lao động thuộc Công ty phải tuân thủ thời gian lao động, chất lượng, giữ gìn an ninh trật tự trong công ty, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và điều hành sản xuất kinh doanh trong công ty.
CÔNG TY CỔ PHẦN MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH Số: 84/QĐ – HĐQT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Nam Định, ngày 03 tháng 10 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Nội quy lao động
HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH
Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012;
Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định;
Căn cứ Biên bản Hội nghị Ban chấp hành công đoàn cơ sở ngày 03 tháng 10 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy lao động Công ty cổ phần Môi trường Nam Định.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ đăng ký Nội quy lao động, những quy định trước đây trái với quyết định này đều được bãi bỏ.
Điều 3: Các ông (bà) Trưởng các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc Công ty chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – HĐQT; – BCH công đoàn; – Như Điều 3; – Lưu VP. | TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CHỦ TỊCH Triệu Đức Kiểm |
CÔNG TY CỔ PHẦN MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Nam Định, ngày 03 tháng 10 năm 2016 |
NỘI QUY LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-HĐQT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường Nam Định).
Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực ngày 01 tháng 5 năm 2013;
Căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động;
Căn cứ điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định;
Căn cứ các thỏa thuận đã đạt được sau khi trao đổi thống nhất ý kiến giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động tại Hội nghị người lao động Công ty ngày ….tháng 10 năm 2016 và Biên bản lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở ngày 03 tháng 10 năm 2016;
Công ty cổ phần Môi trường Nam Định ban hành Nội quy lao động gồm các chương và điều khoản sau đây:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Nội quy lao động là những quy định của Công ty với người lao động thuộc Công ty phải tuân thủ thời gian lao động, chất lượng, giữ gìn an ninh trật tự trong công ty, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và điều hành sản xuất kinh doanh trong công ty.
Điều 2: Đối tượng áp dụng
Nội quy lao động này được áp dụng đối với tất cả người lao động làm việc tại Công ty theo các hình thức và các hợp đồng lao động, kể cả người lao động trong thời gian tập sự, thử việc, học việc.
Điều 3: Quan hệ làm việc
Quan hệ làm việc giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) được xác lập bằng hợp đồng lao động (HĐLĐ). Nội dung HĐLĐ không được trái với các quy định của pháp luật về lao động và Thỏa ước lao động tập thể do Chủ tịch Công đoàn Công ty đại diện cho bên NLĐ trong toàn Công ty và Chủ tịch HĐQT bên NSDLĐ cùng ký kết.
Do yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, NSDLĐ có thể điều chuyển NLĐ giữa các đơn vị trong Công ty, song phải báo cho NLĐ trước 03 ngày làm việc và phải ký Phụ lục hợp đồng lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.
CHƯƠNG II
THỜI GIAN LÀM VIỆC – THỜI GIAN NGHỈ NGƠI
A. THỜI GIAN LÀM VIỆC
Điều 4: Thời gian làm việc trong ngày
Thời gian làm việc 8h/ngày hoặc 48h/tuần. Riêng đối với công nhân làm công việc đặc biệt nặng nhọc, nặng nhọc độc hại thời gian làm việc 6h/ngày hoặc 36h/tuần. Thời gian bắt đầu làm việc trong ngày được quy định cụ thể như sau:
1. Đối với các bộ phận văn phòng Công ty, văn phòng các đơn vị trực thuộc thời gian bắt đầu làm việc trong ngày được quy định cụ thể:
1.1. Thời gian làm việc mùa đông (từ ngày 15/10 năm trước đến hết ngày 14/4 năm sau).
– Buổi sáng bắt đầu từ 7h30’ đến 11h30’.
– Buổi chiều bắt đầu từ 13h00’ đến 17h00’
1.2. Thời gian làm việc mùa hè (từ ngày 15/4 đến hết ngày 14/10 hàng năm).
– Buổi sáng bắt đầu từ 7h00’ đến 11h30’
– Buổi chiều bắt đầu từ 13h30’ đến 17h00’
1.3. Thời gian làm việc hàng tuần: từ thứ hai đến hết thứ bảy.
2. Đối với các đơn vị trực tiếp sản xuất: Giờ làm việc theo ca sản xuất, phù hợp với thời gian quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian đặt hàng của bên A.
Điều 5: Thời gian làm việc ban đêm
Thời gian làm việc ban đêm được tính từ 22h00’ đến 6h00’ ngày hôm sau.
Điều 6: Thời gian làm thêm giờ
Là khoảng thời gian làm việc ngoài giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật lao động, Thỏa ước lao động tập thể.
1. NSDLĐ có quyền huy động làm thêm giờ vào bất cứ ngày nào và NLĐ không được từ chối trong các trường hợp sau:
– Đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong tình trạng khẩn cấp.
– Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.
– Đảm bảo an toàn giao thông.
– Thi công các công trình do yêu cầu của công nghệ kỹ thuật yêu cầu thi công liên tục.
– Công tác đột xuất ngày lễ, tết.
2. Số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày hoặc không quá 200 giờ/năm.
3. Tiền lương làm thêm giờ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương tính theo công việc đang làm như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
B. THỜI GIAN NGHỈ NGƠI
Điều 7: Thời gian nghỉ hàng tuần
Mỗi tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Đối với những công việc do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Điều 8: Thời gian nghỉ hưởng nguyên lương
1. Nghỉ lễ, tết hàng năm
NLĐ được nghỉ việc và được hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:
– Tết dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch)
– Tết âm lịch: 05 ngày.
– Giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 03 âm lịch).
– Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
– Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch).
– Ngày Quốc khánh: 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch).
Nếu những ngày nghỉ trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuàn thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
2. Nghỉ phép hàng năm
NLĐ có đủ 12 tháng làm việc tại Công ty thì được nghỉ phép hàng năm hưởng nguyên lương theo HĐLĐ như sau:
2.1. Làm việc trong điều kiện bình thường là 12 ngày, bao gồm các bộ phận văn phòng Công ty, văn phòng các đơn vị trực thuộc, đội xe cơ giới, các tổ bảo vệ.
2.2. Làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm: 14 ngày gồm công nhân quét, thu gom rác đường phố vệ sinh môi trường.
2.3. Làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày gồm công nhân xúc, xử lý rác.
2.4. Số ngày nghỉ phép hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, cứ đủ 05 năm làm việc thì được nghỉ thêm 01 ngày.
2.5. NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ phép được tính theo tỷ lệ tương đương với số tháng thực tế làm việc. Tuy nhiên những trường hợp làm việc liên tục dưới 03 tháng thì chưa được hưởng phép năm cho đến khi thời gian làm việc thực tế từ 03 tháng trở lên.
Điều 9: Cách giải quyết số ngày nghỉ phép
Phép năm của NLĐ Công ty giải quyết từ 01/01 đến hết ngày 31/3 của năm sau. Hết thời gian này mà NLĐ không nghỉ phép thì số ngày nghỉ phép của năm đó sẽ không được cộng dồn vào năm tiếp theo.
Điều 10. Nghỉ việc riêng có hưởng lương
NLĐ nghỉ việc riêng được hưởng lương trong các trường hợp sau:
1. NLĐ kết hôn: 03 ngày
2. NLĐ có tứ thân phụ mẫu/vợ/chồng/con qua đời: 03 ngày
3. NLĐ có con kết hôn: 01 ngày.
Điều 11: Nghỉ việc riêng không hưởng lương
NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ và được NSDLĐ đồng ý nghỉ việc riêng không hưởng lương trong các trường hợp sau:
1. Người thân trong gia đình bị bệnh nặng không có người chăm sóc.
2. Người lao động có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không có người trông.
3. Các trường hợp khác mà Giám đốc công ty xét thấy hợp lý.
Điều 12. Thủ tục xin nghỉ và thẩm quyền cho phép NLĐ nghỉ trong các trường hợp
1. Đối với trường hợp nghỉ lễ, tết hàng năm (theo quy định tại Điều 8 Nội quy lao động).
2. Đối với trường hợp nghỉ phép, nghỉ bù, NLĐ phải có kế hoạch phân bố sắp xếp ngày nghỉ phép, nghỉ bù phù hợp với yêu cầu và tính chất, khối lượng công việc được giao. Đơn xin nghỉ phép phải được gửi đến người phụ trách đơn vị xem xét, xác nhận và đồng ý.
3. Đối với trường hợp người lao động được thanh toán tiền (đi đường) trong thời gian nghỉ phép hàng năm, người lao động phải viết đơn xin nghỉ phép năm (có xác nhận của Chủ tịch HĐQT đã sắp xếp bố trí công việc và đồng ý để người lao động nghỉ phép) gửi phòng Tổ chức – hành chính để cấp giấy phép năm. Các thủ tục thanh toán thực hiện theo quy định tại điều 9 Quy chế chi tiêu nội bộ của Công ty .
4. Đối với trường hợp nghỉ việc riêng có hưởng lương, NLĐ phải báo cáo cho người phụ trách trước khi nghỉ 03 ngày. Riêng đối với trường hợp nghỉ việc riêng vì có người thân trong gia đình mất thì NLĐ cần chủ động thông báo ngay cho người phụ trách đơn vị biết.
Điều 13. Một số quy định đối với lao động nữ
1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con cộng lại là 06 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con lao động nữ được nghỉ thêm 30 ngày.
2. Lao động nữ trong thời gian có thai đến tháng thứ 7, nuôi con dưới 12 tháng tuổi tùy thuộc vào công việc của mỗi đơn vị trực thuộc được bố trí nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ lương.
CHƯƠNG III
TRẬT TỰ TRONG CÔNG TY
Điều 14: NLĐ phải có mặt đúng giờ quy định tại nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ được giao, không được đi muộn, về sớm theo giờ làm việc mà đơn vị quy định. Trường hợp đi muộn về sớm do nguyên nhân tai nạn giao thông, tắc đường, kẹt xe, mưa bão…thì sau đó phải báo cáo cho người phụ trách.
Điều 15: NLĐ phải chấp hành mệnh lệnh sản xuất của người chỉ huy, tuân thủ quy trình sản xuất và các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
Đối với công nhân kỹ thuật, vận hành máy phải chấp hành thực hiện đúng quy trình vận hành, sửa chữa, đảm bảo an toàn trong sản xuất, phát huy được hiệu quả của phương tiện mà được giao quản lý, sử dụng.
Đối với công nhân lái xe ngoài việc chấp hành nghiêm Nội quy lao động còn phải tuyệt đối chấp hành quy định về an toàn giao thông đường bộ và các cam kết đã ký.
Điều 16: NLĐ nghỉ chờ việc do công ty thiếu việc làm được phép tìm việc cho mình để tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình nhưng phải báo cáo với NSDLĐ và phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình khi có những vấn đề về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an ninh chính trị, an toàn xã hội xảy ra. Các đơn vị trực thuộc phải lập danh sách số người đi làm ngoài báo cáo với NSDLĐ.
Điều 17: Cán bộ quản lý, nhân viên chuyên môn nghiệp vụ văn phòng công ty, văn phòng các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ được giao. Trong quản lý điều hành sản xuất phải nghiêm chỉnh thực hiện mọi quy định của Nhà nước, của Công ty đề ra đã được thể chế hóa bằng các quy định, quy chế quản lý, tổng hợp thống kê báo cáo theo quy định của cấp trên và theo yêu cầu của Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc, số liệu báo cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác kịp thời.
Điều 18: Tác phong, trang phục, thái độ làm việc
1. Đối với cán bộ, nhân viên văn phòng
– Sử dụng trang phục công sở phù hợp.
– Cư xử văn minh, lịch sự, nhã nhặn với khách hàng, với đồng nghiệp.
2. Đối với bảo vệ văn phòng
– Sử dụng trang phục theo quy định Công ty đã cấp
– Yêu cầu khách hàng đến làm việc phải đăng ký với thường trực bảo vệ. Khi đã biết rõ nội dung làm việc của khách, thường trực bảo vệ có trách nhiệm hướng dẫn cho khách đến các bộ phận hoặc cá nhân mà khách cần làm việc. Trường hợp khách đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty thì phải gọi điện báo cho lãnh đạo Công ty biết và khi lãnh đạo bố trí thời gian tiếp thì hướng dẫn khách đến phòng lãnh đạo.
3. Đối với công nhân lao động
– Sử dụng bảo hộ lao động theo quy định Công ty cấp.
– Cư xử văn minh, lịch sự, nhã nhặn với khách hàng, với nhân dân, với đồng nghiệp.
Điều 19: Không được đánh bài, đánh cờ hoặc trò chơi khác dưới hình thức ăn tiền. Nghiêm cấm uống rượu, bia hoặc say rượu trong giờ làm việc, gây mất đoàn kết, đánh chửi nhau trong nội bộ và ngoài xã hội.
CHƯƠNG IV
AN TOÀN LAO ĐỘNG – VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 20: Trách nhiệm của NSDLĐ
1. Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động, phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ trong suốt thời gian làm việc.
2. Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy;
3. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ theo đúng quy định;
4. Kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định;
5. Ban hành các nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
Điều 21: Trách nhiệm của NLĐ
1. Tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, biện pháp về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy do Công ty tổ chức.
2. Chấp hành lịch khám sức khỏe hàng năm do Công ty tổ chức.
3. Thực hiện các quy định, nội quy về an toàn lao động và vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
4. Bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ làm việc đã được trang bị, các thiết bị an toàn, vệ sinh nơi làm việc, nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường cho Công ty.
5. Khi có tai nạn lao động xảy ra phải tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả.
6. Có quyền từ chối làm việc, rời bỏ vị trí làm việc khi thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa đến tính mạng hoặc sức khỏe của bản thân nhưng phải báo cáo ngay cho người có trách nhiệm để có biện pháp khắc phục.
7. Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn phải có trách nhiệm cứu chữa kịp thời và báo cho những người xung quanh và lãnh đạo Công ty; tắt tất cả các thiết bị điện, thu dọn và chuyển vật dụng, đồ đạc trong khu vực có nguy cơ bùng cháy lan đến.
8. Lau chùi, bảo quản máy móc thiết bị được giao theo hướng dẫn.
9. Hết giờ làm việc phải sắp xếp các tài liệu, vật dụng, trang thiết bị làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Tắt hết các thiết bị điện (trừ các thiết bị được phép do yêu cầu công việc)
10. Vào ngày cuối tuần hay trước khi nghỉ lễ văn phòng Công ty và các đơn vị trực thuộc phải dành thời gian từ 1-2 giờ để tổng vệ sinh, sắp xếp hồ sơ, tài liệu, máy móc thiết bị gòn gàng, sạch sẽ.
11. Ở những nơi làm việc, nơi để máy móc thiết bị sản xuất dễ xảy ra nguy hiểm, tai nạn thì người được giao nhiệm vụ phải cấm người không có nhiệm vụ miễn vào.
CHƯƠNG V
BẢO VỆ TÀI SẢN VÀ BÍ MẬT CÔNG NGHỆ, KINH DOANH
Điều 22: Bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, kinh doanh của Công ty và tài sản nhà nước giao cho Công ty quản lý là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả NLĐ trong công ty.
Tài sản của Công ty bao gồm cả giá trị và hiện vật như: Tiền vốn; nhà xưởng, các máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu vật liệu, các công trình kiến trúc; các phương tiện dụng cụ phục vụ cho sản xuất, đời sống; tài sản do Nhà nước giao cho Công ty quản lý.
Điều 23: Các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng khai thác các loại tài sản đều phải mở sổ sách theo dõi theo quy định.
– Cán bộ công nhân viên không được tự ý di chuyển tài sản ra khỏi vị trí quy định khi chưa có lệnh của người phụ trách, chỉ huy.
– Không được mang tài sản, dụng cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt của công ty, đơn vị ra ngoài. Khi cần mang ra ngoài phải có sự đồng ý của người phụ trách và Giám đốc Công ty.
Điều 24: Hồ sơ tài liệu phải được bảo quản lưu trữ theo quy định.
– Những người không có nhiệm vụ được giao thì không được sao chụp in ấn tài liệu, không được tự ý cung cấp tài liệu, thông tin, công nghệ ra bên ngoài.
– Khi các cơ quan có thẩm quyền đến làm việc, yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu, nếu được Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc Công ty đồng ý thì CBCNV mới được phép cung cấp và chỉ cung cấp những tài liệu ở phạm vi mà cơ quan đó cần.
– Tuyệt đối không cho mượn hồ sơ chứng từ tài liệu mang ra khỏi cơ quan, nếu có phải được sự đồng ý của Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc Công ty và phải lập biên bản giao nhận ký kết giữa 2 bên.
Điều 25: Các đơn vị, bộ phận phải tăng cường tuần tra, xây dựng phương án bảo vệ tài sản, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bão lụt, tổ chức lực lượng tự vệ giải quyết các vấn đề khi xảy ra.
– Phòng Tổ chức – hành chính có trách nhiệm phối hợp với Ban an toàn lao động và phòng chống cháy nổ Công ty để xây dựng kế hoạch chung của toàn Công ty, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra uốn nắn để hạn chế được thấp nhất các thiệt hại xảy ra.
Điều 26: Các phòng, ban, đội Cơ giới, xí nghiệp DVMT, nhà máy XLRT phải phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài cơ quan. Đặc biệt đối với chính quyền địa phương sở tại nơi làm việc để bảo vệ tài sản và giữ gìn anh ninh trật tự, thuộc địa bàn đơn vị quản lý.
CHƯƠNG VI
CÁC HÀNH VI VI PHẠM KỶ LUẬT LAO ĐỘNG – HÌNH THỨC XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT
Điều 27: Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động
1. Hành vi vi phạm về thời gian lao động
1.1. Đi làm muộn, về sớm hơn thời gian quy định của đơn vị không được sự đồng ý của người phụ trách.
1.2. Rời bỏ vị trí làm việc mà không được sự đồng ý của người phụ trách bộ phận (trừ trường hợp quy định tại mục 6, Điều 21 của Nội quy này).
1.3. Làm việc riêng trong giờ làm việc.
1.4. Nghỉ quá thời hạn cho phép mà không được sự đồng ý của người phụ trách hoặc Giám đốc Công ty.
2. Hành vi không phục tùng mệnh lệnh điều hành sản xuất kinh doanh
2.1. Không phục tùng hay từ chối mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên.
2.2. Có hành vi gây gổ, xử lý kém văn hóa ở nơi làm việc.
2.3. Lôi kéo, xúi giục những người lao động khác không phục tùng hay từ chối mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên
2.4. NLĐ tự ý nhờ hoặc thuê người khác làm hộ công việc của mình.
3. Hành vi không tuân thủ quy trình đã được hướng dẫn.
3.1. Không thực hiện theo đúng quy trình công việc gây ách tắc công việc của các bộ phận liên quan.
3.2. Không tuân thủ quy trình công nghệ, vận hành máy móc thiết bị gây hư hỏng máy móc thiết bị.
4. Hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động
4.1. Không sử dụng bảo hộ lao động đúng quy định trong khi làm việc.
4.2. Không tắt các thiết bị điện và máy móc thiết bị được giao quản lý khi không sử dụng.
4.3. Sử dụng ma túy và các chất gây nghiện bị pháp luật cấm.
4.4. Không vệ sinh máy móc thiết bị nơi làm việc
4.5. Tự tiện sử dụng máy móc thiết bị khi chưa được huấn luyện và chưa được chứng nhận có đủ năng lực vận hành các loại máy móc thiết bị đó.
4.6. Hút thuốc lá ở nơi làm việc
5. Hành vi trộm cắp, tham ô, gây rối
5.1. Trộm cắp vật tư, hàng hóa của công ty.
5.2. Sử dụng, chiếm dụng tiền bạc, tài sản của Công ty cho công việc và mục đích riêng.
5.3. Phát ngôn bừa bãi, tung tin bịa đặt làm hạ thấp uy tín đồng nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và Công ty.
5.4. Gây mất đoàn kết nội bộ.
6. Hành vi vi phạm về bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
6.1. Không thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết khi mang tài sản của Công ty ra ngoài.
6.2. Không tuân thủ quy trình làm việc, tự ý giải quyết công việc vượt thẩm quyền được giao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của Công ty.
6.3. Tiết lộ hoặc sử dụng bất hợp pháp bất cứ thông tin bí mật về sản xuất kinh doanh, tài chính, bí quyết công nghệ hay thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty (trừ trường hợp do yêu cầu công việc của người lao động đó).
Điều 28: Các hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. NLĐ nào làm trái một trong các điều được quy định trên đây đều coi là vi phạm kỷ luật lao động và tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ xử lý bằng một trong 3 hình thức sau:
1.1 Khiển trách (bao gồm nhắc nhở và cảnh cáo): Áp dụng khi NLĐ có một trong những hành vi sau đây:
1.1.1 Đi làm muộn, hoặc về sớm hơn so với thời gian quy định của đơn vị mà không được sự đồng ý của người có thẩm quyền
1.1.2 Làm việc riêng trong giờ làm việc
1.1.3 Rời bỏ vị trí làm việc mà không có lý do chính đáng
1.1.4 Khi hết giờ làm việc ra về không tắt các thiết bị điện mà trong phạm vi mình được giao quản lý.
1.1.5 Có hành vi gây gổ, xử sự kém văn hóa ở nơi làm việc
1.1.6 Không thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết khi mang tài sản, tài liệu của Công ty ra ngoài
1.1.7 Không tuân thủ quy trình làm việc, tự ý giải quyết công việc vượt thẩm quyền được giao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của Công ty.
1.1.8 Không tuân thủ các quy định về An toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
Lần đầu vi phạm nhắc nhở bằng miệng, lần 2 vi phạm nhắc nhở bằng văn bản.
1.2 Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc cách chức.
1.2.1 NLĐ đã bị khiển trách mà tái phạm trong thời gian 3 tháng kể từ thời điểm bị khiển trách
1.2.2 Không thực hiện đúng công việc, đúng quy định của công ty và gây thiệt hại trực tiếp về vật chất hoặc ảnh hưởng đến khách hàng.
1.2.3 Không hoàn thành công việc được giao.
1.2.4 Sử dụng, chiếm dụng tài sản của công ty vào mục đích riêng.
1.3 Sa thải.
Hình thức kỷ luật sa thải được áp dụng trong những trường hợp sau:
1.3.1 NLĐ có 1 trong các hành vi sau đây: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, gây gổ đánh nhau gây thương tích, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có lời nói lăng mạ, đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về danh dự, tài sản, lợi ích của CBCNV trong công ty và tập thể Công ty.
1.3.2 NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.
1.3.3 NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
1.3.4 NLĐ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện bị pháp luật cấm, đã được Công ty giáo dục hoặc đã có cam kết mà vẫn tái nghiện.
1.3.5 NLĐ tự ý nhờ hoặc thuê người khác làm hộ công việc của mình đã được giáo dục 1 lần mà vẫn tái phạm.
2. Trình tự xử lý kỷ luật lao động thực hiện đúng quy định theo điều 123 của Bộ luật lao động, Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Nguyên tắc, xử lý vi phạm kỷ luật lao động.
3.1 Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật lao động được xử lý một hình thức kỷ luật, khi một NLĐ có nhiều vi phạm kỷ luật lao động đồng thời thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
3.2 Không xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ vi phạm Nội quy lao động khi người đó có hành vi vi phạm trong trường hợp mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hay khả năng điều khiển hành vi của mình.
3.3 Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động.
3.4 Cấm dùng hình thức phạt tiền, cúp lương thay việc xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ.
4. Người bị kỷ luật khiển trách sau 3 tháng và người bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 6 tháng nếu không tái phạm, tự giác sửa chữa, chấp hành tốt kỷ luật thì đương nhiên được xóa kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 3 năm nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì sẽ không bị coi là tái phạm.
5. Tạm đình chỉ công việc.
5.1 NSDLĐ có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy NLĐ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm thời đình chỉ công việc của NLĐ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại Công ty.
– Thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
– Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, NSDLĐ nhận người lao động trở lại làm việc.
5.2 Trường hợp NLĐ bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
5.3 Trường hợp NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động thì được NSDLĐ trả đủ số tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Điều 29: Trách nhiệm vật chất
1. NLĐ làm hư hỏng, mất dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của Công ty, của đơn vị, của nhà nước thì phải bồi thường 1 phần hoặc toàn bộ giá trị thiệt hại gây ra, theo giá thị trường tại thời điểm.
2. NLĐ trộm cắp, tham ô tài sản của nhà nước, của Công ty, của đơn vị dưới bất kỳ hình thức nào đều bị thu hồi 100% giá trị tài sản. Nếu nghiêm trọng, ngoài việc xử lý kỷ luật lao động còn bị truy tố trước pháp luật.
3. NLĐ, tổ, xí nghiệp DVMT, nhà máy XLRT không hoàn thành nhiệm vụ được giao, bị bên A lập biên bản cắt khối lượng công việc thì không được thanh toán tiền công của phần khối lượng công việc đó và phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại gây ra cho Công ty (kề cả tiền bên A phạt do không thực hiện đúng hợp đồng).
4. Khi quyết định mức bồi thường đối với từng trường hợp Giám đốc Công ty và đại diện công đoàn cơ sở, xem xét đến thực trạng hoàn cảnh gia đình, nhân thân, tài sản của đương sự và mức độ thành khẩn của từng trường hợp.
Điều 30: Khen thưởng
Những người có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện tốt Nội quy lao động có nhiều thành tích trong sản xuất, công tác, bảo vệ tài sản của nhà nước, tài sản của Công ty, của đơn vị sẽ được khen thưởng theo quy định.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31: Tổ chức thực hiện
1. Nội quy lao động làm cơ sở cho Công ty quản lý lao động, điều hành sản xuất kinh doanh, khen thưởng cho những NLĐ có thành tích trong việc chấp hành tốt Nội quy lao động và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kỷ luật lao động trong Công ty.
2. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc trong hệ thống quản lý của Công ty, tùy theo đặc điểm sản xuất kinh doanh có thể cụ thể hóa Nội quy lao động cho phù hợp với thực tế, nhưng không được trái Nội quy lao động của Công ty và pháp luật lao động khác có liên quan.
3. Nội quy lao động này được phổ biến đến NLĐ, mọi người có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy lao động, đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh, trật tự của Công ty.
Điều 32: Hiệu lực thi hành
Nội quy lao động gồm 7 chương, 32 điều quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật lao động của NLĐ đối với Công ty, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ đăng ký Nội quy lao động, những quy định khác trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Mọi trường hợp không quy định trong Nội quy lao động này được giải quyết theo các văn bản pháp luật của Nhà nước về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.
Nội quy này được niêm yết tại Văn phòng Công ty./.
CHỦ TỊCH HĐQT Triệu Đức Kiểm |
Có thể bạn quan tâm:
Quy chế công bố thông tin
Quyết định về việc ban hành Quy chế công bố thông [...]
Từ nhiệm chức danh TV HĐQT
Công ty CP Môi trường Nam Định công bố thông tin [...]
Công bố thông tin thông qua đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT
Công bố thông tin thông qua đơn xin từ nhiệm Thành [...]
Thông báo thay đổi nhân sự kèm theo Nghị quyết miễn nhiệm Giám đốc Công ty
Công ty CP Môi trường Nam Định thông báo thay đổi [...]
Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT
Công bố Thông tin Công Ty CP Môi trường Nam Định, [...]
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024
Báo cáo quản trị 6T đầu năm 2024 [...]