Ban hành quy chế tổ chức hoạt động và phân công nhiệm vụ Ban Giám đốc

Ngày cập nhật: 03/01/2017

Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế tổ chức hoạt động và phân công nhiệm vụ Ban Giám đốc, mối liên hệ giữa Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Nam ĐịnhXem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN
MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH 

Số: 82/QĐ-HĐQT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 

Nam Định, ngày 01 tháng 10 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Ban hành quy chế tổ chức hoạt động và phân công nhiệm vụ

Ban Giám đốc, mối liên hệ giữa Hội đồng quản trị và Giám đốc công ty

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

CÔNG TY CỔ PHẦN MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH

Căn cứ điều lệ tổ chức và hoạt động Công ty cổ phần Môi trường Nam Định;

Căn cứ nghị quyết cuộc họp Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định ngày 10 tháng 9 năm 2016.

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường Nam Định;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế tổ chức hoạt động và phân công nhiệm vụ Ban Giám đốc, mối liên hệ giữa Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định.

(Có bản quy chế kèm theo)

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 01 tháng  10 năm 2016.

Điều 3. Các Ông (bà) thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, các phòng ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Môi trường Nam Định chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 Nơi nhận:
– HĐQT
– Ban GĐ
– Như điều 3;
– Lưu TC-HC.
TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
CHỦ TỊCH      


Triệu Đức Kiểm

QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ BAN GIÁM ĐỐC CÔNG TY, MỐI QUAN HỆ GIỮA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ VÀ BAN GIÁM ĐỐC CÔNG TY

 (Ban hành kèm theo quyết định số 82/QĐ-HĐQT ngày 01 tháng 10 năm 2016

 của Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định)

Điều 1: Mục đích và nguyên tắc.

1. Quy chế hoạt động của Ban Giám đốc (BGĐ) Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định (sau đây gọi tắt là Quy chế) được xây dựng trên cơ sở Điều lệ của Công ty và nhằm quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của từng thành viên BGĐ.

2. Quy chế này được áp dụng trong mọi hoạt động của BGĐ và các thành viên BGĐ. Nếu có bất kỳ điều khoản nào trong Quy chế này mâu thuẫn với Điều lệ Công ty thì các quy định của Điều lệ Công ty sẽ được áp dụng.

3. Các thuật ngữ dùng trong Quy chế này cũng có nghĩa như được định nghĩa trong Điều lệ và quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị (sau đây gọi tắt là HĐQT) của Công ty.

Điều 2: Nguyên tắc hoạt động.

1. BGĐ hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Giám đốc chịu trách  nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày của Công ty. Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước HĐQT Công ty và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty và trong Quy chế này.

2. Phó Giám đốc, Kế toán trưởng là thành viên BGĐ của Công ty, chịu trách nhiệm giúp việc cho Giám đốc theo các nhiệm vụ được Giám đốc phân công hoặc ủy quyền như quy định tại quy chế này.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn của thành viên BGĐ.

1. Thành viên BGĐ bao gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc và Kế toán trưởng.

2. Các thành viên BGĐ do HĐQT bổ nhiệm hoặc bãi miễn theo quy định trong Điều lệ công ty.

3. Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm thành viên BGĐ được quy định trong Điều lệ Công ty.

Điều 4: Quyền hạn, trách nhiệm của Giám đốc công ty.

1. Chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức, điều hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của công ty. Giám đốc thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với pháp luật, quy định của Điều lệ Công ty và quy chế này. Cụ thể:

1.1. Tổ chức thực hiện các Nghị quyết , Quyết định của HĐQT, chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư đã được HĐQT phê duyệt. trong trường hợp không đồng ý với nghị quyết, quyết định  của HĐQT, Giám đốc vẫn có trách nhiệm thực hiện nghị quyết, quyết định của HĐQT nhưng có quyền bảo lưu ý kiến của mình và trình Đại hội đồng cổ đông xem xét trong phiên họp gần nhất.

1.2. Khi thấy nghị quyết, quyết định của HĐQT trái pháp luật, trái Điều lệ của công ty, Giám đốc có trách nhiệm báo cáo để HĐQT thay đổi quyết định. Trong trường hợp HĐQT không thay đổi quyết định Giám đốc có quyền từ chối thực hiện những nghị quyết, quyết định trái pháp luật đó của HĐQT. Khi thực hiện từ chối nghị quyết, quyết định của HĐQT, Giám đốc có trách nhiệm thông báo ngay với Ban Kiểm soát.

1.3. Xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh hàng năm hoặc dự án đầu tư hàng năm của Công ty trình HĐQT quyết định; phê duyệt kế hoạch, phương án hoạt động kinh doanh của các bộ phận trong Công ty do Phó Giám đốc trình.

1.4. Tham mưu giá mua, giá bán nguyên liệu và các sản phẩm (trừ những sản phẩm dịch vụ do Nhà nước quy định).

1.5. Quyết định các biện pháp tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, các biện pháp mở rộng sản xuất.

1.6. Tham mưu cho Chủ tịch HĐQT bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh quản lý và người lao động trong Công ty trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐQT.

1.7. Tham mưu cho Chủ tịch HĐQT Công ty ký kết các hợp đồng kinh tế theo Luật định. Được quyền ký kết các Hợp đồng do Chủ tịch HĐQT ủy quyền.

1.8. Đại diện Công ty trong việc khởi kiện các vụ án có liên quan đến quyền lợi của Công ty theo sự ủy quyền bằng văn bản của HĐQT.

1.9. Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức và quy chế quản lý công ty, tham mưu về việc tuyển dụng lao động; quyết định tiền lương, phụ cấp đối với người lao động trong Công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc.

1.10. Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh, các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Nếu điều hành trái với pháp luật, trái với Điều lệ Công ty và trái với quyết định của HĐQT, gây thiệt hại cho Công ty thì Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

1.11. Tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh để hoàn thành chỉ tiêu hàng năm về kinh tế, chính trị – xã hội của Công ty theo kế hoạch đã được HĐQT giao.

1.12. Chế độ phân công trách nhiệm trong các Phó Giám đốc do Giám đốc quyết định sau khi được thông qua HĐQT. Việc phân công trách nhiệm cho các Phó Giám đốc có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của Công ty theo từng thời kỳ. Giám đốc có thể thay đổi các nội dung đã được phân công khi xét thấy cần thiết hoặc có sự điều chỉnh lĩnh vực phân công theo dõi trong các Phó Giám đốc, việc điều chỉnh này phải có sự trao đổi bàn bạc trước với HĐQT và nội dung sửa đổi phải được thông qua bằng nghị quyết.

1.13. Trong lĩnh vực tổ chức hành chính công ty:

– Giám đốc tổ chức các phòng, ban, XNDVMT, Đội Cơ giới công ty, quyết định nhân sự và nhiệm vụ hoạt động của các phòng, ban, XNDVMT, Đội Cơ giới Công ty trên cơ sở cơ cấu tổ chức đã được HĐQT phê duyệt.

– Điều hành hoạt động hành chính hiệu quả giữa các phòng ban để phục vụ công tác của HĐQT, công tác chính trị – xã hội khác. Phối hợp hoạt động tốt giữa Công ty với các đơn vị trực thuộc, các Công ty khác có hợp tác với công ty.

– Đề xuất, kiến nghị HĐQT việc quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, chấm dứt Hợp đồng lao động, khen thưởng, kỷ luật, mức lương, phụ cấp của các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của HĐQT.

1.14. Trong lĩnh vực lao động tiền lương:

– Xây dựng và trình HĐQT phương án trả lương, thưởng cho tập thể, cá nhân người lao động theo kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.

– Ký và giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp đồng lao động với nhân viên (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐQT).

1.15. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp thường lệ và bất thường của BGĐ; chuẩn bị chương trình, nội dung, các tài liệu phục vụ cuộc họp.

1.16. Đề nghị Chủ tịch HĐQT triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết công việc khẩn cấp của công ty, khi đó Giám đốc phải thông báo trước về nội dung chương trình nghị sự dự kiến cần giải quyết tại cuộc họp và gửi các tài liệu cần thiết (nếu có) đến Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT trước phiên họp HĐQT ít nhất là một ngày.

1.17. Chế độ báo cáo của Giám đốc:

– Báo cáo bằng văn bản cho HĐQT hàng quý và hàng năm về tình hình hoạt động và tài chính của công ty, nội dung báo cáo gồm kết quả hoạt động kinh doanh, kế hoạch kinh doanh cho thời gian tiếp theo (tài chính, tổ chức, nhân sự, các hoạt động khác) và đề xuất, kiến nghị xin phê duyệt của HĐQT (nếu có).

– Báo cáo tổng hợp của BGĐ trong phiên họp giao ban của Công ty về tình hình hoạt động, tài chính và vấn đề tổ chức quản lý hoạt động trong công ty.

– Ngoài ra Giám đốc phải báo cáo đột xuất theo yêu cầu của HĐQT. Việc thực hiện các báo cáo trên phải được lập thành văn bản.

– Báo cáo của Giám đốc phải trung thực, chính xác và Giám đốc chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước cơ quan chức năng về các nội dung được đề cập trong các bản báo cáo.

1.18. Ngoài những công việc phải trình HĐQT theo quy định tại Điều lệ công ty, Giám đốc có quyền chủ động điều hành sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền. Khi có các trường hợp khẩn cấp (thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, sự cố…) Giám đốc có quyền ra quyết định hoặc cho áp dụng các biện pháp vượt thẩm quyền của mình nhưng Giám đốc phải chịu trách nhiệm về những quyết định đó đồng thời phải báo cáo lại cho HĐQT trong vòng ba ngày kể từ ngày đưa ra quyết định.

2. Người đại diện theo ủy quyền.

Giám đốc chỉ được ủy quyền cho Phó Giám đốc mà không được ủy quyền cho cho bất kỳ người nào khác theo một trong ba phương thức ủy quyền sau:

2.1. Ủy quyền toàn quyền: Nếu Giám đốc vì lý do nào đó vắng mặt tại Công ty quá 30 ngày thì phải có giấy ủy quyền toàn bộ các công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc cho Phó Giám đốc và báo cáo bằng văn bản việc ủy quyền toàn bộ đó cho Chủ tịch HĐQT. Việc ủy quyền chỉ được thực hiện sau khi HĐQT chấp thuận. Người nhận ủy quyền chịu trách nhiệm trước Giám đốc và HĐQT về những việc đã làm theo ủy quyền và phải báo cáo lại cho Giám đốc.

2.2. Ủy quyền vụ việc: Các công văn, quyết định và một số công việc cụ thể do Công ty được Giám đốc ủy quyền bằng văn bản theo lĩnh vực được phân công. Người nhận ủy quyền không được ủy quyền lại.

2.3. Ủy quyền theo hình thức phân quyền thường xuyên: Phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể được thể hiện tại Quy chế này. Các Phó Giám đốc được ủy quyền theo hình thức phân quyền thường xuyên được quyền chủ động tổ chức thực hiện các công việc được ủy quyền. Phó Giám đốc được ủy quyền chịu trách nhiệm trước Giám đốc, HĐQT và trước pháp luật về các công việc được ủy quyền. Phó Giám đốc được ủy quyền không được ủy quyền lại.

Điều 5. Quyền hạn và trách nhiệm của Phó Giám đốc.

Phó Giám đốc là người giúp việc cho Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách quản lý, điều hành các hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của công ty. Phó Giám đốc  có quyền  hạn và trách nhiệm sau:

1. Thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc thông qua việc ủy quyền toàn bộ hoặc từng vụ việc cụ thể trong trường hợp được Giám đốc ủy quyền.

2. Quyền tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề tại các phiên họp của BGĐ; quyền được bảo lưu ý kiến khác với quyết định của Giám đốc hoặc BGĐ. Trong trường hợp phát hiện thấy quyết định của Giám đốc không phù hợp các quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của HĐQT, Phó Giám đốc có trách nhiệm báo cáo lại Giám đốc để sửa đổi hoặc thay thế. Trường hợp Giám đốc không thay đổi quyết định, Phó Giám đốc có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch HĐQT xem xét quyết định.

3. Thường xuyên báo cáo Giám đốc về những công việc thực hiện được do  Giám đốc phân công; có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo của các đề án, quyết định, văn bản tài liệu liên quan đến lĩnh vực mình được phân công phụ trách trình lên Giám đốc theo lịch phân công công việc hoặc theo thời gian yêu cầu cụ thể của Giám đốc.

4. Thay mặt Giám đốc làm việc và cung cấp thông tin cho các cổ đông, cơ quan báo chí có liên quan theo lĩnh vực được phân công. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc về việc công bố thông tin trung thực và tuân thủ quy chế bảo mật của công ty.

5. Tham mưu với Giám đốc công ty, HĐQT về cơ cấu tổ chức, điều hành, năng lực để thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao phụ trách. Chịu trách nhiệm cùng với Giám đốc Công ty trong việc bảo vệ khối lượng, nhận chỉ định thầu, đấu thầu các dịch vụ thường xuyên với Tỉnh, Thành phố đối với lĩnh vực được phân công.

6. Khai thác tìm kiếm thêm việc làm ngoài hợp đồng dịch vụ thường xuyên nhà nước.

7. Quyền ký và ban hành các văn bản báo cáo sau:

7.1. Các văn bản, báo cáo điều hành, triển khai công việc gửi trong nội bộ công ty, các văn bản khảo sát, nghiệm thu công việc theo lĩnh vực được phân công.

7.2. Các văn bản báo cáo phát hành ra bên ngoài Công tytheo lĩnh vực được giao, trừ trường hợp nội dung văn bản, báo cáo nhạy cảm hoặc có tầm ảnh hưởng lớn thì phải trao đổi, giải trình, thảo luận với Giám đốc về các vấn đề được đề cập trong các văn bản để Giám đốc ký ban hành hoặc ủy quyền ký ban hành.

8. Quyền ký duyệt chủ trương cho công tác mua vật tư, hàng hóa đối với các lĩnh vực được giao điều hành sản xuất.

Điều 6. Quyền hạn và trách nhiệm của Kế toán trưởng.

Kế toán trưởng do HĐQT bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình. Kế toán trưởng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc và thực hiện công việc theo sự phân công của giám đốc. Kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) có các quyền hạn và nhiệm vụ sau:

1. Xây dựng và thực hiện hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, sổ sách kế toán và điều hành nghiệp vụ kế toán của Công ty theo các quy định hiện hành của Pháp luật. Quy trình nghiệp vụ kế toán phải phù hợp với chế độ kế toán mà công ty đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tổ chức, quản lý và giám sát việc tuân thủ chế độ bảo mật đối với mọi sổ sách, chứng từ, thông tin, tài liệu, số liệu kế toán tài chính. Kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) chỉ được phép cung cấp số liệu cho Kiểm soát viên hoặc theo yêu cầu của các đối tượng khác khi có sự đồng ý của Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc.

3. Tổ chức, quản lý và giám sát các hoạt động kế toán của các đơn vị, bộ phận, chi nhánh trong công ty; chịu trách nhiệm trực tiếp về tính thống nhất, chính xác của các nghiệp vụ kế toán trong toàn công ty.

4. Tất cả các chứng từ, sổ sách kế toán đều thông qua Kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) ký trước khi trình Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Phó giám đốc ký duyệt. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm cao nhất về tính trung thực của các số liệu ghi trong sổ sách, chứng từ trước Chủ tịch HĐQT, HĐQT và Giám đốc. Khi có lỗi kỹ thuật phải sửa lại các số liệu trong sổ sách kế toán phải theo đúng các quy định hiện hành. Kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của việc sửa chữa các số liệu này.

5. Xây dựng trình Chủ tịch HĐQT, giám đốc kế hoạch tài chính của công ty hàng  năm hoặc dài hạn. Tham mưu, đề xuất với giám đốc về các quy chế vay mượn, cầm cố, thế chấp, mua bán tài sản theo quy định của pháp luật. Có trách nhiệm giúp Chủ tịch HĐQT, giám đốc quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản của công ty có hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật.

6. Khi có lệnh của Chủ tịch HĐQT hoặc giám đốc thì kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) phải có nghĩa vụ chấp hành. Nếu thấy lệnh đó có bất kỳ vấn đề nào chưa rõ ràng hoặc có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tài chính thì kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) vẫn phải chấp hành nhưng được quyền báo cáo trực tiếp cho HĐQT hoặc trưởng Ban Kiểm soát.

7. Chịu trách nhiệm cùng với giám đốc lập các báo cáo tài chính như sau:

7.1 Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm, bảng cân đối kế toán, bảng cân đối số phát sinh, bảng lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính, bảng tăng giảm tài sản, tình hình thực hiện nghĩa vụ Nhà nước, thuế VAT, thuế thu nhập, tình hình tăng giảm nguồn vốn, chi tiết công nợ, tăng giảm tài sản, một số chỉ tiêu đánh giá v.v…của công ty theo quy định.

7.2. Các báo cáo hàng tháng, hàng quý, năm lập theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính của công ty.

7.3. Chịu trách nhiệm bảo quản các tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động tài chính kế toán trong toàn công ty.

Điều 7. Các phiên họp của BGĐ.

1. BGĐ họp thường kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc bất thường. Các phiên họp của BGĐ có thể được tổ chức theo hình thức giao ban mở rộng đến các phòng ban, đơn vị sản xuất trực thuộc.

1.1. Phiên họp giao ban thường kỳ do giám đốc triệu tập theo lịch công tác của công ty, địa điểm và thời gian được sắp xếp cho phù hợp với tình hình thực tế do giám đốc ấn định. Thành phần tham dự cuộc họp BGĐ ngoài thành viên BGĐ, có thể mời thêm một số thành viên như HĐQT, Ban Kiểm soát, giám đốc các đơn vị trực thuộc, đội trưởng sản xuất, cán bộ quản lý khác trong công ty.

1.2. Phiên họp bất thường để giải quyết các công việc đột xuất của công ty được Giám đốc triệu tập hoặc theo đề nghị của một trong các thành viên BGĐ.

1.3. Các thành viên BGĐ cũng có quyền triệu tập cuộc họp BGĐ có sự tham gia của HĐQT, ban Kiểm soát, trong trường hợp giám đốc sai phạm nghiêm trọng.

2. Nội dung các phiên họp BGĐ là tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, các bộ phận, đơn vị thành viên hay các dự án đầu tư, các vấn đề còn tồn tại của các phiên họp trước đó hay bất kỳ đề xuất, kiến nghị nào của thành viên BGĐ. Ngoài ra trong phiên họp này, các thành viên BGĐ có nghĩa vụ báo cáo, giải trình các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

3. Các cuộc họp BGĐ hoặc BGĐ mở rộng đều phải lập biên bản có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và thư ký, có dấu giáp lai, hoặc phải bằng thông báo các nội dung kết luận trích nghị quyết tại buổi họp gửi đến các thành viên tham dự hoặc các đơn vị liên quan.

Điều 8. Mối quan hệ giữa HĐQT và Giám đốc.

1. Đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng Cổ đông:

Giám đốc có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện các công việc do HĐQT phân công để chuẩn bị các phiên họp thường niên và bất thường của Đại hội đồng Cổ đông. Đối với những công việc thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng Cổ đông, giám đốc có trách nhiệm chuẩn bị theo phân công của của HĐQT, báo cáo HĐQT thông qua để HĐQT trình Đại hội đồng Cổ đông xem xét quyết định.

2. Đối với các công việc thuộc thẩm quyền của HĐQT:

Giám đốc là người chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu xây dựng các dự án, lập kế hoạch, lấy ý kiến của các chuyên gia tư vấn và trình dự thảo lên HĐQT xem xét trong các phiên họp của HĐQT; Giám đốc có trách nhiệm xây dựng quy trình trình duyệt, báo cáo HĐQT đảm bảo rõ ràng về hình thức, chính xác về nội dung và phù hợp với các quy định hiện hành của Pháp luật.

Đối với nội dung đã được HĐQT phê duyệt bằng văn bản, giám đốc có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực  hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT.

Giám đốc được ký kết một số các văn bản liên quan theo phân cấp của HĐQT và có trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch sau khi được HĐQT thông qua.

3. Việc lập và duyệt kế hoạch, quản lý tài chính, xây dựng đơn giá tiền lương, khoán công việc, chi phí….sẽ do Trưởng các bộ phận chuyên môn phối hợp xây dựng trình giám đốc đề giám đốc phê duyệt hoặc trình HĐQT phê duyệt theo thẩm quyền.

Điều 9. Thay đổi thành viên, miễn nhiệm tư cách BGĐ.

1. Từ chức, từ nhiệm các chức danh thành viên BGĐ:

1.1 Giám đốc, phó Giám đốc, Kế toán trưởng muốn từ nhiệm chức danh phải có đơn gửi đến HĐQT. Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày nhận đơn, HĐQT họp để xem xét và quyết định.

1.2. Trong trường hợp giám đốc bị mất tư cách BGĐ thì người khác tạm thời thay thế và được Chủ tịch HĐQT bổ nhiệm, sau đó trong cuộc họp HĐQT liên tiếp sẽ bổ nhiệm chính thức người thay thế.

1.3. Mọi trường hợp bị khuyết khác do HĐQT quyết định.

2. Miễn nhiệm tư cách BGĐ:

2.1. BGĐ bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

– Bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Từ chức.

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định trong Điều lệ công ty và quy chế hoạt động của BGĐ.

2.2. Thành viên BGĐ đương nhiên bị mất tư cách thành viên BGĐ trong các trường hợp sau đây:

– Mất trí, chết, mất quyền công dân.

– Không đáp ứng được nhu cầu công việc

Điều 10. Điều kiện làm việc của BGĐ.

1. Phòng Tổ chức – hành chính công ty có trách nhiệm chuyển và nhận tất cả các công văn tài liệu của BGĐ:

1.1 Đối với các văn bản đến, phòng tổ chức – hành chính gửi trực tiếp đến Chủ tịch HĐQT công ty, Chủ tịch HĐQT công ty sẽ chỉ đạo, phê duyệt sao gửi và giao nhiệm vụ cho các cá nhân, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện.

1.2. Đối với các công văn, quyết định do BGĐ ký phát hành phải được phòng tổ chức – hành chính công ty lưu trữ bản chính và kịp thời sao gửi cho các thành viên BGĐ, lãnh đạo phòng, ban, đơn vị trong công ty.

1.3. Phòng tổ chức – hành chính công ty cần sao gửi cho HĐQT các tài liệu liên quan về quản lý nhà nước, các quyết định điều hành quan trọng của giám đốc và các báo cáo định kỳ của công ty.

2. Tất cả các thành viên BGĐ có thể trực tiếp làm việc với HĐQT công ty.

3. Các thành viên BGĐ được hưởng lương, thưởng, phụ cấp, công tác phí….theo quy chế trả lương và các quy định về chế độ liên quan của công ty do HĐQT hoặc giám đốc công ty quyết định.

4. Các thành viên BGĐ được bố trí phòng làm việc riêng tại trụ sở chính của công ty với đầy đủ phương tiện làm việc, hội họp và tiếp khách.

Điều 11. Sửa đổi, bổ sung.

1. Trong quá trình thực hiện, bất kỳ thành viên nào của BGĐ cũng có thể đề xuất với giám đốc về việc sửa đổi bổ sung, thay thế những quy định của  Quy chế này cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

2. Trong trường hợp các quy định của Điều lệ công ty hoặc nhân sự liên quan BGĐ thay đổi thì Quy chế này cũng phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các thay đổi trong Điều lệ công ty.

3. Giám đốc đề xuất việc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định của Quy chế này để HĐQT công ty phê duyệt.

4. Bất cứ sửa đổi, bổ sung, thay thế nào trong Quy chế này chỉ có hiệu lực khi HĐQT phê duyệt.

Điều 12. Hiệu lực của Quy chế.

1. Quy chế này có hiệu lực khi được HĐQT phê duyệt phù hợp với các nguyên tắc hoạt động của HĐQT.

2. Quy chế này áp dụng cho tất cả các thành viên của BGĐ.

Điều 13. Điều khoản thi hành:

1. Các thành viên BGĐ có trách nhiệm thực hiện đúng Quy chế này.

2. Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Môi trường Nam Định ký và công bố Quy chế này.

                                                             T/M HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

                                                                       CHỦ TỊCH

                                                                                 Triệu Đức Kiểm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 02283.3848.141
Chat Facebook
Gọi điện ngay