Nội quy, quy chế, quy định công ty cổ phần Môi Trường Nam Định

Ngày cập nhật: 03/01/2017

Nội quy lao động, các quy chế dân chủ cơ sở, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, Ban giám đốc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài chính, tuyển dụng, bình xét thi đua hàng tháng, hàng năm.

Tài liệu gồm có:

1. Nội quy lao động

2. Quy chế dân chủ ở cơ sở, nơi làm việc

3. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị

4. Quy chế hoạt động của ban kiểm soát

5. Quy chế tổ chức hoạt động và phân công nhiệm vụ Ban giám đốc

6. Quy chế chi tiêu nội bộ

7. Quy chế quản lý tài chính

8. Quy chế tuyển dụng lao động

9. Quy chế về bình xét thi đua hàng tháng, hàng năm

Xem chi tiết hệ thống văn bản công ty Tại đây

Nội quy, quy chế, quy định công ty cổ phần Môi Trường Nam Định

Tài liệu gồm có:

1. Nội quy lao động

2. Quy chế dân chủ ở cơ sở, nơi làm việc
3. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị
4. Quy chế hoạt động của ban kiểm soát
5. Quy chế tổ chức hoạt động và phân công nhiệm vụ Ban giám đốc
6. Quy chế chi tiêu nội bộ
7. Quy chế quản lý tài chính
8. Quy chế tuyển dụng lao động
9. Quy chế về bình xét thi đua hàng tháng, hàng năm

Ban hành Nội quy lao động

Ngày cập nhật: 03/01/2017

Nội quy lao động là những quy định của Công ty với người lao động thuộc Công ty phải tuân thủ thời gian lao động, chất lượng, giữ gìn an ninh trật tự trong công ty, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và điều hành sản xuất kinh doanh trong công ty.

CÔNG TY CỔ PHẦN
MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH




Số: 84/QĐ – HĐQT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc





Nam Định, ngày 03 tháng 10 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Nội quy lao động

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH

Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012;

Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định;

Căn cứ Biên bản Hội nghị Ban chấp hành công đoàn cơ sở ngày 03 tháng 10 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy lao động Công ty cổ phần Môi trường Nam Định.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ đăng ký Nội quy lao động, những quy định trước đây trái với quyết định này đều được bãi bỏ.

Điều 3: Các ông (bà) Trưởng các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc Công ty chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 Nơi nhận:
–  HĐQT;
–  BCH công đoàn;
–  Như Điều 3;
–  Lưu VP.

TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
CHỦ TỊCH
Triệu Đức Kiểm
CÔNG TY CỔ PHẦN
MÔI TRƯỜNG NAM ĐỊNH



  

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc



 
Nam Định, ngày 03 tháng 10 năm 2016

NỘI QUY LAO ĐỘNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-HĐQT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của

 Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường Nam Định).

Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực ngày 01 tháng 5 năm 2013;

Căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động;

Căn cứ điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định;

Căn cứ các thỏa thuận đã đạt được sau khi trao đổi thống nhất ý kiến giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động tại Hội nghị người lao động Công ty ngày ….tháng 10 năm 2016 và Biên bản lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở ngày 03 tháng 10 năm 2016;

Công ty cổ phần Môi trường Nam Định ban hành Nội quy lao động gồm các chương và điều khoản sau đây:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Nội quy lao động là những quy định của Công ty với người lao động thuộc Công ty phải tuân thủ thời gian lao động, chất lượng, giữ gìn an ninh trật tự trong công ty, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và điều hành sản xuất kinh doanh trong công ty.

Điều 2: Đối tượng áp dụng

Nội quy lao động này được áp dụng đối với tất cả người lao động làm việc tại Công ty theo các hình thức và các hợp đồng lao động, kể cả người lao động trong thời gian tập sự, thử việc, học việc.

Điều 3: Quan hệ làm việc

Quan hệ làm việc giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) được xác lập bằng hợp đồng lao động (HĐLĐ). Nội dung HĐLĐ không được trái với các quy định của pháp luật về lao động và Thỏa ước lao động tập thể do Chủ tịch Công đoàn Công ty đại diện cho bên NLĐ trong toàn Công ty và Chủ tịch HĐQT bên NSDLĐ cùng ký kết.

Do yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, NSDLĐ có thể điều chuyển NLĐ giữa các đơn vị trong Công ty, song phải báo cho NLĐ trước 03 ngày làm việc và phải ký Phụ lục hợp đồng lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.

CHƯƠNG II

THỜI GIAN LÀM VIỆC – THỜI GIAN NGHỈ NGƠI

A.   THỜI GIAN LÀM VIỆC    

Điều 4: Thời gian làm việc trong ngày

Thời gian làm việc 8h/ngày hoặc 48h/tuần. Riêng đối với công nhân làm công việc đặc biệt nặng nhọc, nặng nhọc độc hại thời gian làm việc 6h/ngày hoặc 36h/tuần. Thời gian bắt đầu làm việc trong ngày được quy định cụ thể như sau:

1. Đối với các bộ phận văn phòng Công ty, văn phòng các đơn vị trực thuộc thời gian bắt đầu làm việc trong ngày được quy định cụ thể:

1.1. Thời gian làm việc mùa đông (từ ngày 15/10 năm trước đến hết ngày 14/4 năm sau).

–    Buổi sáng bắt đầu từ 7h30’ đến 11h30’.

–    Buổi chiều bắt đầu từ 13h00’ đến 17h00’

1.2. Thời gian làm việc mùa hè (từ ngày 15/4 đến hết ngày 14/10 hàng năm).

–    Buổi sáng bắt đầu từ 7h00’ đến 11h30’

–    Buổi chiều bắt đầu từ 13h30’ đến 17h00’

1.3. Thời gian làm việc hàng tuần: từ thứ hai đến hết thứ bảy.

2. Đối với các đơn vị trực tiếp sản xuất: Giờ làm việc theo ca sản xuất, phù hợp với thời gian quy định trong định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian đặt hàng của bên A.

Điều 5: Thời gian làm việc ban đêm

Thời gian làm việc ban đêm được tính từ 22h00’ đến 6h00’ ngày hôm sau.

Điều 6: Thời gian làm thêm giờ

Là khoảng thời gian làm việc ngoài giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật lao động, Thỏa ước lao động tập thể.

1. NSDLĐ có quyền huy động làm thêm giờ vào bất cứ ngày nào và NLĐ không được từ chối trong các trường hợp sau:

–    Đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong tình trạng khẩn cấp.

–    Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.

–    Đảm bảo an toàn giao thông.

–        Thi công các công trình do yêu cầu của công nghệ kỹ thuật yêu cầu thi công liên tục.

–    Công tác đột xuất ngày lễ, tết.

2. Số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày hoặc không quá 200 giờ/năm.

3. Tiền lương làm thêm giờ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương tính theo công việc đang làm như sau:

–    Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

–    Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%;

–    Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

B.   THỜI GIAN NGHỈ NGƠI

Điều 7: Thời gian nghỉ hàng tuần

Mỗi tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Đối với những công việc do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

Điều 8: Thời gian nghỉ hưởng nguyên lương

1. Nghỉ lễ, tết hàng năm

NLĐ được nghỉ việc và được hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:

–    Tết dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch)

–    Tết âm lịch: 05 ngày.

–    Giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 03 âm lịch).

–    Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).

–    Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch).

–    Ngày Quốc khánh: 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch).

Nếu những ngày nghỉ trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuàn thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

2. Nghỉ phép hàng năm

NLĐ có đủ 12 tháng làm việc tại Công ty thì được nghỉ phép hàng năm hưởng nguyên lương theo HĐLĐ như sau:

2.1. Làm việc trong điều kiện bình thường là 12 ngày, bao gồm các bộ phận văn phòng Công ty, văn phòng các đơn vị trực thuộc, đội xe cơ giới, các tổ bảo vệ.

2.2. Làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm: 14 ngày gồm công nhân quét, thu gom rác đường phố vệ sinh môi trường.

2.3. Làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày gồm công nhân xúc, xử lý rác.

2.4. Số ngày nghỉ phép hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, cứ đủ 05 năm làm việc thì được nghỉ thêm 01 ngày.

2.5. NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ phép được tính theo tỷ lệ tương đương với số tháng thực tế làm việc. Tuy nhiên những trường hợp làm việc liên tục dưới 03 tháng thì chưa được hưởng phép năm cho đến khi thời gian làm việc thực tế từ 03 tháng trở lên.

Điều 9: Cách giải quyết số ngày nghỉ phép

Phép năm của NLĐ Công ty giải quyết từ 01/01 đến hết ngày 31/3 của năm sau. Hết thời gian này mà NLĐ không nghỉ phép thì số ngày nghỉ phép của năm đó sẽ không được cộng dồn vào năm tiếp theo.

Điều 10. Nghỉ việc riêng có hưởng lương

NLĐ nghỉ việc riêng được hưởng lương trong các trường hợp sau:

1. NLĐ kết hôn: 03 ngày

2. NLĐ có tứ thân phụ mẫu/vợ/chồng/con qua đời: 03 ngày

3. NLĐ có con kết hôn: 01 ngày.

Điều 11: Nghỉ việc riêng không hưởng lương

NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ và được NSDLĐ đồng ý nghỉ việc riêng không hưởng lương trong các trường hợp sau:

1. Người thân trong gia đình bị bệnh nặng không có người chăm sóc.

2. Người lao động có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không có người trông.

3. Các trường hợp khác mà Giám đốc công ty xét thấy hợp lý.

Điều 12. Thủ tục xin nghỉ và thẩm quyền cho phép NLĐ nghỉ trong các trường hợp

1. Đối với trường hợp nghỉ lễ, tết hàng năm (theo quy định tại Điều 8 Nội quy lao động).

2. Đối với trường hợp nghỉ phép, nghỉ bù, NLĐ phải có kế hoạch phân bố sắp xếp ngày nghỉ phép, nghỉ bù phù hợp với yêu cầu và tính chất, khối lượng công việc được giao. Đơn xin nghỉ phép phải được gửi đến người phụ trách đơn vị xem xét, xác nhận và đồng ý.

3. Đối với trường hợp người lao động được thanh toán tiền (đi đường) trong thời gian nghỉ phép hàng năm, người lao động phải viết đơn xin nghỉ phép năm (có xác nhận của Chủ tịch HĐQT đã sắp xếp bố trí công việc và đồng ý để người lao động nghỉ phép) gửi phòng Tổ chức – hành chính để cấp giấy phép năm. Các thủ tục thanh toán thực hiện theo quy định tại điều 9 Quy chế chi tiêu nội bộ của Công ty .

4. Đối với trường hợp nghỉ việc riêng có hưởng lương, NLĐ phải báo cáo cho người phụ trách trước khi nghỉ 03 ngày. Riêng đối với trường hợp nghỉ việc riêng vì có người thân trong gia đình mất thì NLĐ cần chủ động thông báo ngay cho người phụ trách đơn vị biết.

Điều 13. Một số quy định đối với lao động nữ

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con cộng lại là 06 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con lao động nữ được nghỉ thêm 30 ngày.

2. Lao động nữ trong thời gian có thai đến tháng thứ 7, nuôi con dưới 12 tháng tuổi tùy thuộc vào công việc của mỗi đơn vị trực thuộc được bố trí nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ lương.

CHƯƠNG III

TRẬT TỰ TRONG CÔNG TY

Điều 14: NLĐ phải có mặt đúng giờ quy định tại nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ được giao, không được đi muộn, về sớm theo giờ làm việc mà đơn vị quy định. Trường hợp đi muộn về sớm do nguyên nhân tai nạn giao thông, tắc đường, kẹt xe, mưa bão…thì sau đó phải báo cáo cho người phụ trách.

Điều 15: NLĐ phải chấp hành mệnh lệnh sản xuất của người chỉ huy, tuân thủ quy trình sản xuất và các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Đối với công nhân kỹ thuật, vận hành máy phải chấp hành thực hiện đúng quy trình vận hành, sửa chữa, đảm bảo an toàn trong sản xuất, phát huy được hiệu quả của phương tiện mà được giao quản lý, sử dụng.

Đối với công nhân lái xe ngoài việc chấp hành nghiêm Nội quy lao động còn phải tuyệt đối chấp hành quy định về an toàn giao thông đường bộ và các cam kết đã ký.

Điều 16: NLĐ nghỉ chờ việc do công ty thiếu việc làm được phép tìm việc cho mình để tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình nhưng phải báo cáo với NSDLĐ và phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình khi có những vấn đề về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an ninh chính trị, an toàn xã hội xảy ra. Các đơn vị trực thuộc phải lập danh sách số người đi làm ngoài báo cáo với NSDLĐ.

Điều 17: Cán bộ quản lý, nhân viên chuyên môn nghiệp vụ văn phòng công ty, văn phòng các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ được giao. Trong quản lý điều hành sản xuất phải nghiêm chỉnh thực hiện mọi quy định của Nhà nước, của Công ty đề ra đã được thể chế hóa bằng các quy định, quy chế quản lý, tổng hợp thống kê báo cáo theo quy định của cấp trên và theo yêu cầu của Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc, số liệu báo cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác kịp thời.

Điều 18: Tác phong, trang phục, thái độ làm việc

1. Đối với cán bộ, nhân viên văn phòng

–    Sử dụng trang phục công sở phù hợp.

–    Cư xử văn minh, lịch sự, nhã nhặn với khách hàng, với đồng nghiệp.

2. Đối với bảo vệ văn phòng

–    Sử dụng trang phục theo quy định Công ty đã cấp

–    Yêu cầu khách hàng đến làm việc phải đăng ký với thường trực bảo vệ. Khi đã biết rõ nội dung làm việc của khách, thường trực bảo vệ có trách nhiệm hướng dẫn cho khách đến các bộ phận hoặc cá nhân mà khách cần làm việc. Trường hợp khách đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty thì phải gọi điện báo cho lãnh đạo Công ty biết và khi lãnh đạo bố trí thời gian tiếp thì hướng dẫn khách đến phòng lãnh đạo.

3. Đối với công nhân lao động

–    Sử dụng bảo hộ lao động theo quy định Công ty cấp.

–    Cư xử văn minh, lịch sự, nhã nhặn với khách hàng, với nhân dân, với đồng nghiệp.

Điều 19: Không được đánh bài, đánh cờ hoặc trò chơi khác dưới hình thức ăn tiền. Nghiêm cấm uống rượu, bia hoặc say rượu trong giờ làm việc, gây mất đoàn kết, đánh chửi nhau trong nội bộ và ngoài xã hội.

CHƯƠNG IV

AN TOÀN LAO ĐỘNG – VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 20: Trách nhiệm của NSDLĐ

1. Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động, phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ trong suốt thời gian làm việc.

2. Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy;

3. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ theo đúng quy định;

4. Kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định;

5. Ban hành các nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Điều 21: Trách nhiệm của NLĐ

1. Tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, biện pháp về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy do Công ty tổ chức.

2. Chấp hành lịch khám sức khỏe hàng năm do Công ty tổ chức.

3. Thực hiện các quy định, nội quy về an toàn lao động và vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

4. Bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ làm việc đã được trang bị, các thiết bị an toàn, vệ sinh nơi làm việc, nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường cho Công ty.

5. Khi có tai nạn lao động xảy ra phải tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả.

6. Có quyền từ chối làm việc, rời bỏ vị trí làm việc khi thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa đến tính mạng hoặc sức khỏe của bản thân nhưng phải báo cáo ngay cho người có trách nhiệm để có biện pháp khắc phục.

7. Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn phải có trách nhiệm cứu chữa kịp thời và báo cho những người xung quanh và lãnh đạo Công ty; tắt tất cả các thiết bị điện, thu dọn và chuyển vật dụng, đồ đạc trong khu vực có nguy cơ bùng cháy lan đến.

8. Lau chùi, bảo quản máy móc thiết bị được giao theo hướng dẫn.

9. Hết giờ làm việc phải sắp xếp các tài liệu, vật dụng, trang thiết bị làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Tắt hết các thiết bị điện (trừ các thiết bị được phép do yêu cầu công việc)

10. Vào ngày cuối tuần hay trước khi nghỉ lễ văn phòng Công ty và các đơn vị trực thuộc phải dành thời gian từ 1-2 giờ để tổng vệ sinh, sắp xếp hồ sơ, tài liệu, máy móc thiết bị gòn gàng, sạch sẽ.

11. Ở những nơi làm việc, nơi để máy móc thiết bị sản xuất dễ xảy ra nguy hiểm, tai nạn thì người được giao nhiệm vụ phải cấm người không có nhiệm vụ miễn vào.

CHƯƠNG V

BẢO VỆ TÀI SẢN VÀ BÍ MẬT CÔNG NGHỆ, KINH DOANH

Điều 22: Bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, kinh doanh của Công ty và tài sản nhà nước giao cho Công ty quản lý là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả NLĐ trong công ty.

Tài sản của Công ty bao gồm cả giá trị và hiện vật như: Tiền vốn; nhà xưởng, các máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu vật liệu, các công trình kiến trúc; các phương tiện dụng cụ phục vụ cho sản xuất, đời sống; tài sản do Nhà nước giao cho Công ty quản lý.

Điều 23: Các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng khai thác các loại tài sản đều phải mở sổ sách theo dõi theo quy định.

– Cán bộ công nhân viên không được tự ý di chuyển tài sản ra khỏi vị trí quy định khi chưa có lệnh của người phụ trách, chỉ huy.

– Không được mang tài sản, dụng cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt của công ty, đơn vị ra ngoài. Khi cần mang ra ngoài phải có sự đồng ý của người phụ trách và Giám đốc Công ty.

Điều 24: Hồ sơ tài liệu phải được bảo quản lưu trữ theo quy định.

– Những người không có nhiệm vụ được giao thì không được sao chụp in ấn tài liệu, không được tự ý cung cấp tài liệu, thông tin, công nghệ ra bên ngoài.

– Khi các cơ quan có thẩm quyền đến làm việc, yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu, nếu được Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc Công ty đồng ý thì CBCNV mới được phép cung cấp và chỉ cung cấp những tài liệu ở phạm vi mà cơ quan đó cần.

– Tuyệt đối không cho mượn hồ sơ chứng từ tài liệu mang ra khỏi cơ quan, nếu có phải được sự đồng ý của Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc Công ty và phải lập biên bản giao nhận ký kết giữa 2 bên.

Điều 25: Các đơn vị, bộ phận phải tăng cường tuần tra, xây dựng phương án bảo vệ tài sản, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bão lụt, tổ chức lực lượng tự vệ giải quyết các vấn đề khi xảy ra.

– Phòng Tổ chức – hành chính có trách nhiệm phối hợp với Ban an toàn lao động và phòng chống cháy nổ Công ty để xây dựng kế hoạch chung của toàn Công ty, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra uốn nắn để hạn chế được thấp nhất các thiệt hại xảy ra.

Điều 26: Các phòng, ban, đội Cơ giới, xí nghiệp DVMT, nhà máy XLRT phải phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài cơ quan. Đặc biệt đối với chính quyền địa phương sở tại nơi làm việc để bảo vệ tài sản và giữ gìn anh ninh trật tự, thuộc địa bàn đơn vị quản lý.

CHƯƠNG VI

CÁC HÀNH VI VI PHẠM KỶ LUẬT LAO ĐỘNG – HÌNH THỨC XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT

Điều 27: Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động

1.  Hành vi vi phạm về thời gian lao động

1.1. Đi làm muộn, về sớm hơn thời gian quy định của đơn vị không được sự đồng ý của người phụ trách.

1.2. Rời bỏ vị trí làm việc mà không được sự đồng ý của người phụ trách bộ phận (trừ trường hợp quy định tại mục 6, Điều 21 của Nội quy này).

1.3. Làm việc riêng trong giờ làm việc.

1.4. Nghỉ quá thời hạn cho phép mà không được sự đồng ý của người phụ trách hoặc Giám đốc Công ty.

2. Hành vi không phục tùng mệnh lệnh điều hành sản xuất kinh doanh

2.1. Không phục tùng hay từ chối mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên.

2.2. Có hành vi gây gổ, xử lý kém văn hóa ở nơi làm việc.

2.3. Lôi kéo, xúi giục những người lao động khác không phục tùng hay từ chối mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên

2.4. NLĐ tự ý nhờ hoặc thuê người khác làm hộ công việc của mình.

3. Hành vi không tuân thủ quy trình đã được hướng dẫn.

3.1. Không thực hiện theo đúng quy trình công việc gây ách tắc công việc của các bộ phận liên quan.

3.2. Không tuân thủ quy trình công nghệ, vận hành máy móc thiết bị gây hư hỏng máy móc thiết bị.

4. Hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động

4.1. Không sử dụng bảo hộ lao động đúng quy định trong khi làm việc.

4.2. Không tắt các thiết bị điện và máy móc thiết bị được giao quản lý khi không sử dụng.

4.3. Sử dụng ma túy và các chất gây nghiện bị pháp luật cấm.

4.4. Không vệ sinh máy móc thiết bị nơi làm việc

4.5. Tự tiện sử dụng máy móc thiết bị khi chưa được huấn luyện và chưa được chứng nhận có đủ năng lực vận hành các loại máy móc thiết bị đó.

4.6. Hút thuốc lá ở nơi làm việc

5. Hành vi trộm cắp, tham ô, gây rối

5.1. Trộm cắp vật tư, hàng hóa của công ty.

5.2. Sử dụng, chiếm dụng tiền bạc, tài sản của Công ty cho công việc và mục đích riêng.

5.3. Phát ngôn bừa bãi, tung tin bịa đặt làm hạ thấp uy tín đồng nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và Công ty.

5.4. Gây mất đoàn kết nội bộ.

 6. Hành vi vi phạm về bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

6.1. Không thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết khi mang tài sản của Công ty ra ngoài.

6.2. Không tuân thủ quy trình làm việc, tự ý giải quyết công việc vượt thẩm quyền được giao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của Công ty.

6.3. Tiết lộ hoặc sử dụng bất hợp pháp bất cứ thông tin bí mật về sản xuất kinh doanh, tài chính, bí quyết công nghệ hay thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty (trừ trường hợp do yêu cầu công việc của người lao động đó).

Điều 28: Các hình thức xử lý kỷ luật lao động

1.  NLĐ nào làm trái một trong các điều được quy định trên đây đều coi là vi phạm kỷ luật lao động và tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ xử lý bằng một trong 3 hình thức sau:

1.1   Khiển trách (bao gồm nhắc nhở và cảnh cáo): Áp dụng khi NLĐ có một trong những hành vi sau đây:

1.1.1  Đi làm muộn, hoặc về sớm hơn so với thời gian quy định của đơn vị mà không được sự đồng ý của người có thẩm quyền

1.1.2 Làm việc riêng trong giờ làm việc

1.1.3 Rời bỏ vị trí làm việc mà không có lý do chính đáng

1.1.4 Khi hết giờ làm việc ra về không tắt các thiết bị điện mà trong phạm vi mình được giao quản lý.

1.1.5 Có hành vi gây gổ, xử sự kém văn hóa ở nơi làm việc

1.1.6 Không thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết khi mang tài sản, tài liệu của Công ty ra ngoài

1.1.7 Không tuân thủ quy trình làm việc, tự ý giải quyết công việc vượt thẩm quyền được giao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của Công ty.

1.1.8  Không tuân thủ các quy định về An toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Lần đầu vi phạm nhắc nhở bằng miệng, lần 2 vi phạm nhắc nhở bằng văn bản.

1.2   Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc cách chức.

1.2.1  NLĐ đã bị khiển trách mà tái phạm trong thời gian 3 tháng kể từ thời điểm bị khiển trách

1.2.2  Không thực hiện đúng công việc, đúng quy định của công ty và gây thiệt hại trực tiếp về vật chất hoặc ảnh hưởng đến khách hàng.

1.2.3  Không hoàn thành công việc được giao.

1.2.4  Sử dụng, chiếm dụng tài sản của công ty vào mục đích riêng.

1.3 Sa thải.

Hình thức kỷ luật sa thải được áp dụng trong những trường hợp sau:

1.3.1  NLĐ có 1 trong các  hành vi sau đây: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, gây gổ đánh nhau gây thương tích, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có lời nói lăng mạ, đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về danh dự, tài sản, lợi ích của CBCNV trong công ty và tập thể Công ty.

1.3.2  NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

1.3.3  NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.

1.3.4  NLĐ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện bị pháp luật cấm, đã được Công ty giáo dục hoặc đã có cam kết mà vẫn tái nghiện.

1.3.5  NLĐ tự ý nhờ hoặc thuê người khác làm hộ công việc của mình đã được giáo dục 1 lần mà vẫn tái phạm.

2.  Trình tự xử lý kỷ luật lao động thực hiện đúng quy định theo điều 123 của Bộ luật lao động, Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

3.  Nguyên tắc, xử lý vi phạm kỷ luật lao động.

3.1   Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật lao động được xử lý một hình thức kỷ luật, khi một NLĐ có nhiều vi phạm kỷ luật lao động đồng thời thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

3.2   Không xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ vi phạm Nội quy lao động khi người đó có hành vi vi phạm trong trường hợp mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hay khả năng điều khiển hành vi của mình.

3.3   Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động.

3.4   Cấm dùng hình thức phạt tiền, cúp lương thay việc xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ.

4.  Người bị kỷ luật khiển trách sau 3 tháng và người bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 6 tháng nếu không tái phạm, tự giác sửa chữa, chấp hành tốt kỷ luật thì đương nhiên được xóa kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 3 năm nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì sẽ không bị coi là tái phạm.

5.  Tạm đình chỉ công việc.

5.1   NSDLĐ có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy NLĐ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm thời đình chỉ công việc của NLĐ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại Công ty.

– Thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

–    Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, NSDLĐ nhận người lao động trở lại làm việc.

5.2   Trường hợp NLĐ bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

5.3   Trường hợp NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động thì được NSDLĐ trả đủ số tiền lương cho thời gian bị tạm  đình chỉ công việc.

Điều 29: Trách nhiệm vật chất

1.  NLĐ làm hư hỏng, mất dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của Công ty, của đơn vị, của nhà nước thì phải bồi thường 1 phần hoặc toàn bộ giá trị thiệt hại gây ra, theo giá thị trường tại thời điểm.

2.  NLĐ trộm cắp, tham ô tài sản của nhà nước, của Công ty, của đơn vị dưới bất kỳ hình thức nào đều bị thu hồi 100% giá trị tài sản. Nếu nghiêm trọng, ngoài việc xử lý kỷ luật lao động còn bị truy tố trước pháp luật.

3.  NLĐ, tổ, xí nghiệp DVMT, nhà máy XLRT không hoàn thành nhiệm vụ được giao, bị bên A lập biên bản cắt khối lượng công việc thì không được thanh toán tiền công của phần khối lượng công việc đó và phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại gây ra cho Công ty (kề cả tiền bên A phạt do không thực hiện đúng hợp đồng).

4.  Khi quyết định mức bồi thường đối với từng trường hợp Giám đốc Công ty và đại diện công đoàn cơ sở, xem xét đến thực trạng hoàn cảnh gia đình, nhân thân, tài sản của đương sự và mức độ thành khẩn của từng trường hợp.

Điều 30: Khen thưởng

Những người có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện tốt Nội quy lao động có nhiều thành tích trong sản xuất, công tác, bảo vệ tài sản của nhà nước, tài sản của Công ty, của đơn vị sẽ được khen thưởng theo quy định.

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31: Tổ chức thực hiện

1.  Nội quy lao động làm cơ sở cho Công ty quản lý lao động, điều hành sản xuất kinh doanh, khen thưởng cho những NLĐ có thành tích trong việc chấp hành tốt Nội quy lao động và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kỷ luật lao động trong Công ty.

2.  Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc trong hệ thống quản lý của Công ty, tùy theo đặc điểm sản xuất kinh doanh có thể cụ thể hóa Nội quy lao động cho phù hợp với thực tế, nhưng không được trái Nội quy lao động của Công ty và pháp luật lao động khác có liên quan.

3.  Nội quy lao động này được phổ biến đến NLĐ, mọi người có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy lao động, đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh, trật tự của Công ty.

Điều 32: Hiệu lực thi hành

Nội quy lao động gồm 7 chương, 32 điều quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật lao động của NLĐ đối với Công ty, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ đăng ký Nội quy lao động, những quy định khác trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Mọi trường hợp không quy định trong Nội quy lao động này được giải quyết theo các văn bản pháp luật của Nhà nước về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

Nội quy này được niêm yết tại Văn phòng Công ty./.

CHỦ TỊCH HĐQT    

Triệu Đức Kiểm

Tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn

Ngày cập nhật: 22/12/2016

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của Thành phố Nam Định và các xã lân cận mới đạt 88%. Tính riêng khu vực nông thôn có 194/204 xã, thị trấn đã thành lập tổ, đội thu gom rác thải tập trung. Như vậy, vẫn còn 10 xã chưa tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt gồm: Nam Hải (Nam Trực); Xuân Phú, Xuân Thủy, Xuân Thành, Xuân Tân (Xuân Trường); Nghĩa Phú, Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng). Trong các xã có tổ chức thu gom rác, vẫn có một số xã mới tổ chức thu gom rác thải được 1-2 thôn, xóm; do đó tỷ lệ rác thải trên địa bàn được thu gom tương đối thấp. Chẳng hạn như: Tân Thành (Vụ Bản) có 1/19 thôn, xóm; xã Trực Tuấn (Trực Ninh) có 1/15 thôn, xóm; xã Trực Thuận (Trực Ninh) có 2/12 thôn, xóm. Ngoài ra, còn không ít địa phương đã tổ chức thu gom rác thải nhưng hiệu quả chưa cao, hiện tượng xả rác thải bừa bãi ra ven đường giao thông, kênh mương, ven đê vẫn còn phổ biến. Ngay tại Thành phố Nam Định, khu vực đường Bái, đoạn ven hồ Tức Mặc không có hộ dân sinh sống thường xuyên bị người dân đổ trộm rác thải dẫn đến tình trạng rác thải tràn xuống cả lòng đường. Trong khi đó, tuyến đường này khá hẹp, lưu lượng phương tiện, người dân lưu thông qua lại rất lớn, gây mất ATGT, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường đô thị. Cá biệt, tại xã Nam Thanh, trước kia thường xuyên xảy ra tình trạng người dân tự ý đổ rác, phế thải, vật liệu xây dựng tại vị trí kè (Km182+422) thuộc đê Hữu Hồng (mom cống Cổ Lễ), không chỉ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến công trình phòng chống lụt bão và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2016, vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương phải ra quân áp dụng các biện pháp xử lý khắc phục. Trong đó, lực lượng công an xã phải phối hợp với Hạt Quản lý đê Nam Trực tăng cường tuần tra, kiểm soát, khi bắt gặp vi phạm đổ trộm rác thải, vật liệu xây dựng kiên quyết xử lý để răn đe, ngăn chặn. UBND xã phải trích ngân sách địa phương để khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu cho vị trí mái kè và hành lang công trình thủy lợi; xây dựng hệ thống tường bao kiên cố, ngăn chặn tái diễn tình trạng người dân cố ý đổ vật liệu xây dựng tại vị trí trên. Điều đáng lo ngại là hiện toàn tỉnh mới có khoảng trên 30 lò đốt rác; lượng rác thải phần lớn vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp chưa vận hành nghiêm túc theo các quy trình kỹ thuật, đang gây ô nhiễm môi trường; trên địa bàn tỉnh chưa có bãi/ô chôn lấp chất thải rắn công nghiệp. Tại xã Liêm Hải (Trực Ninh), lò đốt rác mới đưa vào vận hành từ tháng 7-2016 nhưng theo phản ánh của các hộ dân sống ở khu vực lân cận, khi vận hành khói của lò đốt rác luôn mù mịt, khét lẹt, nếu gặp ngày thời tiết quẩn gió khói bị nén xuống luẩn quẩn như sương mù mịt khắp khu vực dân cư, cánh đồng các đội 3, 4, 5, 6 thuộc các xã Liêm Hải, Phương Định…

Thu gom rác thải sinh hoạt tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)
Thu gom rác thải sinh hoạt tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)

Nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường, biểu dương người tốt, việc tốt trong phong trào tổng vệ sinh môi trường các tuyến đường trục xã, thị trấn, trụ sở làm việc; trong đó chú trọng tuyên truyền để toàn thể nhân dân và các cấp chính quyền nắm rõ và nghiêm túc thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18-11-2016, có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, mức xử phạt đối với các hành vi sai phạm như sau: Vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại: từ 3 đến 5 triệu đồng; Vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định: từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng; Vứt rác thải ra vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước: từ 5 đến 7 triệu đồng.

Nhiều địa phương còn chỉ đạo các xóm, tổ dân phố phát động toàn dân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang cây cối, khơi thông hệ thống cống rãnh, dọn cỏ hai bên đường liên xóm, dong xóm, vệ sinh môi trường tại hộ gia đình tạo cảnh quan sạch đẹp. Sở TN và MT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thành lập tổ, đội thu gom xử lý rác thải trên địa bàn bảo đảm vệ sinh môi trường. Đối với các xã, thị trấn được hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp xử lý rác thải tập trung, cần thực hiện vận hành bãi chôn lấp theo Hướng dẫn số 2276/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở TN và MT về việc thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo quy mô cấp xã. Đối với các xã chưa được hỗ trợ xây dựng công trình xử lý rác thải tập trung (bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh hoặc lò đốt rác thải) cần thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải tại bãi rác tạm theo Hướng dẫn số 2275/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở TN và MT và hướng dẫn các hộ dân tự xử lý rác thải tại gia đình. Đối với các xã xây dựng và lắp đặt lò đốt rác thải cần vận hành lò đốt đảm bảo xử lý triệt để rác thải. Cụ thể, phải phun chế phẩm sinh học, thuốc diệt côn trùng tại khu tập kết rác, phân loại rác một cách hợp lý, hiệu quả (thủy tinh, nilon…). Vận hành lò đốt rác đúng quy định (phân loại rác trước khi đưa vào lò, không đốt rác khi độ ẩm của rác quá cao; không cho rác quá nhiều vào cửa lò; phải duy trì nhiệt độ cao (từ 600-1.0000C) trong buồng đốt thứ cấp một cách thường xuyên bằng cách kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy). Trồng cây xanh xung quanh khu xử lý có chiều rộng khoảng 3-5m nhằm giảm thiểu tối đa rác bay, mùi phát sinh từ khu xử lý rác ra môi trường và khu dân cư. Lò đốt rác thải phải bảo đảm về quy cách và chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt rác thải sinh hoạt QCVN 61-MT:2015/BTNMT của Bộ TN và MT. Việc thực hiện các nội dung nói trên cần chỉ đạo thường xuyên sâu sát, đảm bảo tiếp tục nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải. Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và thu gom rác thải ở các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường thu hút theo mô hình xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân có tâm huyết, tiềm lực kinh tế đầu tư thành lập các tổ, đội, xí nghiệp thu gom xử lý rác thải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường. Đồng thời kiên quyết xử phạt hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định, tăng cường tính răn đe, giáo dục, phát huy tốt hơn tính tự giác chấp hành giữ gìn vệ sinh môi trường. 

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Tiêu chí 17 về môi trường trong chương trình xây dựng NTM tỉnh Nam Định

Ngày cập nhật: 22/12/2016

Trong hơn 5 năm qua (từ năm 2010-2016), dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 112 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó huyện Hải Hậu có 35/35 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2015 theo Quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 23/6/2015. Huyện Hải Hậu là một trong năm huyện đạt danh hiệu huyện nông thôn mới và là huyện đầu tiên trong cả nước có tất cả các xã, thị trấn hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Các huyện còn lại cũng đã nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; một số huyện có tỷ lệ số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 50%. Ví dụ: huyện Trực Ninh có 15/21 xã/thị trấn (đạt 71,4%); huyện Xuân Trường có 12/20 xã/thị trấn (đạt 60%), Vụ Bản có 10/18 xã/thị trấn (đạt 55,6%); huyện Ý Yên có 17/32 xã/thị trấn (đạt 53,1%).

Tổ thu gom rác thải tại TT Xuân Trường- H.Xuân Trường
Tổ thu gom rác thải tại TT Xuân Trường- H.Xuân Trường

Chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng tiêu chí số 17 về môi trường:

Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, UBND tỉnh Nam Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố. Cụ thể:

+ Ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa tiêu chí môi trường; Hướng dẫn các xã, thị trấn vận hành bãi chôn lấp hợp vệ sinh;

+ Tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội các cấp.

+ Tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thu phí vệ sinh  môi trường nhằm đáp ứng nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng BCL, lò đốt rác.

+ Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư tài chính, nghiên cứu các ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xử lý rác thải. (Hiện nay Công ty TNHH Tân Thiên Phú đã sáng chế ra lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho có công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp đốt dựa trên nguyên lý tự nhiệt phân; phù hợp với điều kiện của các vùng nông thôn). Việc xử lý rác thải bằng lò đốt góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, thay thế cho giải pháp bãi chôn lấp vận hành không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường,…..

Áp dụng vận hành mô hình lò đốt rác tại xã NTM Hải Đông- Hải Hậu
Áp dụng vận hành mô hình lò đốt rác tại xã NTM Hải Đông- Hải Hậu

Về việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, trong 112 xã/thị trấn được công nhận xã nông thôn mới, có 77 xã đạt mức chuẩn quốc gia, 35 xã đạt mức cơ bản đạt của tỉnh.

Một số kết quả đạt được về tiêu chí môi trường:

+ Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh tại các xã/thị trấn đều đạt trên 90%.

+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã/thị trấn đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình như: lập các thủ tục về môi trường như Báo cáo ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch Bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải,….Các gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

+ Công tác quy hoạch và quản lý nghĩa trang: Các xã/thị trấn đã lập quy hoạch nông thôn mới và được UBND huyện thẩm định, phê duyệt. Trong quy hoạch, các xã/thị trấn đã bố trí quỹ đất quy hoạch mở rộng các nghĩa trang phục vụ nhu cầu an táng của người dân trong xã. Đồng thời các xã đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang, góp phần đưa hoạt động của nghĩa trang nhân dân đi vào nề nếp và sử dụng đạt hiệu quả quỹ đất của địa phương. Mỗi nghĩa trang đều cắt cử người trông coi, bảo vệ, hướng dẫn duy trì việc sử dụng nghĩa trang.

+ Thu gom, xử lý chất thải: Các xã/thị trấn đạt chuẩn NTM đã thành lập các tổ đội thu gom rác thải sinh hoạt. Việc thu gom rác thải hiện nay đã đi vào nề nếp, góp phần chấm dứt tình trạng vứt rác xuống lòng sông, lề đường, nơi công cộng…..tạo cảnh quan xanh sạch đẹp tại vùng nông thôn.

+ Các xã đã đầu tư các công trình xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu theo 2 hình thức: chôn lấp hợp vệ sinh hoặc lò đốt. Các xã, thị trấn đã có khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung bố trí đúng quy hoạch. Đến nay toàn tỉnh có 105 xã/thị trấn xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh quy mô cấp xã và 54 xã/thị trấn tiến hành đầu tư xây dựng, lắp đặt lò đốt rác sinh hoạt.

+ Có thể nói việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng quê nông thôn tỉnh Nam Định, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Một số ví dụ tiêu biểu về bảo vệ môi trường đã được các xã trong tỉnh nhân rộng và được các tỉnh bạn tham quan, học tập:

+ Thành lập các tổ thu gom hoặc các công ty môi trường dưới sự chỉ đạo, giám sát của UBND xã, thị trấn.  

+ Đầu tư lò đốt rác sinh hoạt góp phần tăng cường xử lý rác thải vùng nông thôn. 

+ Trồng hoa dọc đường giao thông tại một số xã của huyện Hải Hậu đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch – đẹp, chấm dứt tình trạng vứt rác ven đường. (Có hình ảnh đính kèm – Đường quê xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu).

Trồng hoa hai bên đường giao thông tại miền quê Hải Lộc- Hải Hậu
Trồng hoa hai bên đường giao thông tại miền quê Hải Lộc- Hải Hậu

Nguồn tin: Theo Chi cục BVMT

Hotline: 02283.3848.141
Chat Facebook
Gọi điện ngay